Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘24 fps’ Category

Image

Thông tin loạt phim Spider-man được thực hiện lại từ đầu với đạo diễn và dàn diễn viên hoàn toàn mới đã làm không ít người choáng váng, bởi lẽ 3 tập phim Spider-man của đạo diễn Sam Raimi vốn đang rất thành công về mặt tài chính và được giới phê bình ưu ái. Tuy nhiên phải xem The Amazing Spider-man của Marc Webb mới thấy các ông trùm tư bản ở Hollywood không hề thích đầu tư mạo hiểm, và quan trọng hơn khán giả sẽ có thêm một khẩu vị mới để chờ đợi trong các mùa phim Hè tới đây.

The Amazing Spider-man có cốt truyện giống tập phim của đúng 10 năm trước: Peter Parker, một sinh viên yếu đuối, trong chuyến tham quan một cơ sở nghiên cứu sinh học, đã bị một con nhện thí nghiệm cắn và từ đó sở hữu một sức mạnh siêu nhiên với những đặc tính của loài nhện. Tuy nhiên ở phiên bản 2012, khán giả có cơ hội được biết thêm đôi chút về bố mẹ của Peter, những người đã phải từ bỏ con đẻ để công trình khoa học của họ không bị lợi dụng vào mục đích xấu; khán giả cũng không phải gặp lại bất cứ nhân vật phản diện nào từ 3 tập phim trước: nhân vật phản diện trong phiên bản mới là Tiến sỹ Curt Conners, người vì quá mong muốn cánh tay cụt của mình mọc ra như thằn lằn mọc đuôi đã tự biến mình thành một con quái vật máu lạnh.

Nếu so với The Amazing Spider-man, phiên bản 2002 của Raimi có vẻ kịch hơn (mà thực sự đã có một vở broadway Spider-man dựa trên loạt phim của Sam Raimi). Phiên bản của Marc Webb có sự tham gia của cặp diễn viên chính vốn đã khẳng định tài năng từ trước: Andrew Garfield (Never Let Me Go, Social Network) và Emma Stone (Easy A, The Help), chính vì thế The Amazing Spider-man có được sự cân bằng giữa diễn xuất của diễn viên và các yếu tố hành động. Có lẽ nhờ vậy mà chúng ta không phải gặp lại nhân vật Mary Jane chỉ biết hò hét và khóc lóc mà thay vào đó là nhân vật Gwen Stacy đầy trí tuệ và bản lĩnh. Ngoài ra các nhân vật phụ của Amazing Spider-man có sự phát triển sinh động hơn chứ không hề dập khuôn theo lối kể truyện cổ điển của phiên bản trước. Ví dụ như nhân vật Flash chuyên bắt nạt Peter ở trường đã biết thay đổi thái độ khi biết bác Ben của Peter qua đời, chứ không thô lỗ mù quáng như trong tập phim của Sam Raimi.

Bất cứ ai đã xem Spider-man của Sam chắc hẳn đều biết câu “with great power, comes great responsibility”, đó là một câu nói hay, tuy nhiên Sam đã không dẫn dắt câu chuyện đủ chín để câu nói đó trở nên đắt giá, chính vì vậy nó đã tỏ ra miễn cưỡng và giáo điều ngay khi được thốt ra. Spider-man của Marc cũng nói về trách nhiệm, nhưng là một thứ trách nhiệm gần gũi và bình dị hơn: trách nhiệm với những gì mình gây ra. Trong phiên bản của Marc, chính Peter là người đưa TS Curt Conners công thức để từ đó nhân vật này tự biến mình thành quái vật, và đó là động lực thúc đẩy Peter đối đầu với Curt, chứ không phải để trở thành anh hùng cái thế giải cứu nhân loại.

The Amazing Spider-man của Marc Webb là một thay thế xứng đáng với những gì Sam Raimi để lại, cũng giống như một chiếc máy tính dù ổn định đến đâu cũng cần được khởi động lại để hoạt động hiệu quả hơn. Chấm điểm: 4/5

Read Full Post »

Vở Na Hý “Thiên lý tẩu đơn kỵ” (một mình cưỡi ngựa vượt nghìn dặm) dựng lại sự kiện Quan Vũ rời Tào Tháo để trở về với  Lưu Bị trong bộ Tam Quốc Chí. Trong bộ phim cùng tên, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã sử dụng tinh hoa văn hóa này của Trung Quốc để bắt hai bố con người Nhật phải nghĩ lại về lối sống khá điển hình của mình. Có một dạo Trung Quốc làm đủ kiểu phim nói về mối quan hệ Trung-Nhật mà đa phần trong đó người Nhật bị buộc phải khâm phục (rồi sau đó bị khuất phục bởi) nền văn hóa Trung Hoa. “Thiên lý” của Trương cũng không đi chệch xu hướng, cho dù nó không sử dụng phương pháp nói huỵch nói toẹt như những bộ phim khác. Làm phim này, Trương lại có dịp trở về với sở trường là phong cách kể chuyện giản dị và tinh tế, thế nhưng đây lại là một bước lùi khá sâu nếu so với những bộ phim trước đó như “Đường về nhà”, “Thu Cúc”, hay “Phải sống”. Tính giáo điều trong “Thiên lý” của Trương khá lộ và sống sượng.

Trong Tam Quốc Chí, sau khi trả ơn cưu mang và cứu mạng của Tào Tháo, Quan Vũ đã phi ngựa vượt cả nghìn dặm đường để trở về với chủ cũ là Lưu Bị (điển tích vượt năm ải chém sáu tướng được trích ra từ cuộc hành trình này). Trong phim, vở Na Hý đã làm thay đổi nhận thức về cuộc sống và tình phụ tử của hai bố con người Nhật, tuy vậy tôi vẫn tự hỏi tại sao lại nhất định phải là “Thiên lý tẩu đơn kỵ” chứ không phải một vở nào khác. Từ khá lâu Nhật đã thoát được ra khỏi cái bóng vĩ đại của Đại Hán (điều mà nhiều nước Châu Á chưa làm được – trong đó có Việt  Nam) để hướng về Phương Tây. Liệu Trương có ví Nhật như Quan Vũ để đưa ra một lời dằn mặt và trách mắng thâm thúy về sự nổi loạn đó không?

Nhưng dù thế nào đây vẫn là một bộ phim rất đáng xem.

Read Full Post »

F**k Facebook… in the face!

Nhiều người cho rằng Funny People là một bước lùi của Judd Apatow, thế nhưng mình lại coi đây là một sự khẳng định trong phong cách làm phim, một tầm cao mới trong sự nghiệp của Judd. Phần đông khán giả đã so sánh với 40 Year-old Virgin hay Knocked Up để đánh giá thấp Funny People, nhưng mình có cách tiếp cận vấn đề hơi khác một chút. Judd từng nói, ngay sau khi làm Knocked Up, rằng anh không chủ định làm ra một bộ phim hài, mà muốn làm một bộ phim nghiêm túc với những tình huống hài. Nếu xét theo trình tự thời gian những bộ phim mà Judd đích thân đạo diễn (không kể những phim anh chỉ tham gia với vai trò sản xuất), thì phim của anh ngày càng nghiêm túc, từ việc một anh chàng 40 tuổi sẽ làm gì để phá trinh bản thân, rồi phải làm gì để giải quyết hậu quả khi lỡ làm một cô nàng ễnh bụng, cho đến sẽ thế nào nếu một diễn viên hài biết mình sắp chết. Vẫn muốn mua vui khán giả, thế nhưng rõ ràng qua mỗi phim Judd lại tự loại trừ bớt những chất liệu gây cười. Mình có cảm giác Judd đang tạo ra cho mình những thách thức. Nếu đúng vậy thì rõ ràng Judd đã xuất sắc vượt qua những thách thức đó trong Funny People.

Trong Funny People, Judd đã đưa khán giả vào tận hang ổ của sự hài hước bằng cách đặt họ ngay giữa cuộc sống đời thường của những diễn viên hài, mà ở đó từng câu nói, từng lời tâm sự đều là một đoạn “sitcom”. Mình rất thích một đoạn thoại của nhân vật do Seth Rogen đóng, đại loại là: “Tao chơi rất tốt trò Guitar Hero, nên tao nghĩ mình có thể chơi đàn và đã mua một cây guitar, nhưng rồi tao lại nhận thấy mình cũng chơi tốt Grand Theft Auto…” tất nhiên sau đó nhân vật này có giải thích rốt ráo ý hài của câu nói, thế nhưng mình nghĩ kết thúc ở đó là được vì tiếng cười sẽ to hơn nếu khán giả tự khám phá ra ý nghĩa hài hước của nó.

Qua Funny People mình cũng có thể tự đúc rút ra kinh nghiệm làm phim hài (để lỡ sau này có sa chân lỡ bước), đó là khán giả sẽ cười to hơn nếu các tình huống hài hước diễn ra một cách liên tục, nối tiếp, với cường độ tăng dần. Ví dụ khi nhân vật của Seth Rogen nói “Fuck Facebook!” cho tiết mục hài để cổ vũ My Space, khán giả sẽ cười ồ, thế nhưng khán giả có thể sẽ cười bò ra sàn, nếu điều kiện cho phép, khi anh này đế thêm “Fuck Facebook… in the face”. Một ví dụ khá điển hình của phong cách này là trích đoạn dưới đây trong bộ IT Crowd.

Read Full Post »

Ngay từ thế kỷ Công nguyên đầu tiên, giới triết gia đã tranh cãi nhau về câu thơ “Quis custodiet ipsos custodes?” của nhà thơ La Mã, Juvenal. Ai sẽ canh chừng những kẻ được giao trách nhiệm canh chừng người khác? Đó cũng đồng thời là tư tưởng xuyên suốt bộ phim Watchmen (Những kẻ canh chừng) chuyển thể từ 12 tập truyện tranh cùng tên của tác giả Alan Moore và họa sỹ Dave Gibbons.

Watchmen là câu chuyện về những anh hùng và siêu anh hùng, nhưng cả bộ truyện tranh lẫn phim chuyển thể đều không coi tính anh hùng là một chất liệu để khai thác mà coi đây là một đối tượng để mổ xẻ nghiên cứu. Tác giả Alan Moore cho biết, ông tiếp cận Watchmen từ ý tưởng “Tất cả sẽ bắt đầu bằng cái chết của một anh hùng. Để khám phá những bí ẩn đằng sau cái chết này, người đọc sẽ có cơ hội được đi sâu vào thế giới nội tâm của những nhân vật anh hùng khác”. Rõ ràng đó không phải là hướng tiếp cận thông thường của một câu chuyện về siêu anh hùng, có thể chính vì lẽ đó mà Watchmen đã trở thành bộ truyện tranh duy nhất lọt vào danh sách 100 tác phẩm tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của tạp chí Time.

Bìa truyện tranh Watchmen

Ý thơ tranh cãi được Watchmen gián tiếp giới thiệu ngay từ đầu trong cảnh phim nhân vật The Comedian giết hại một phụ nữ Việt Nam. Cảnh phim đề cập rất rõ ràng mối quan hệ giữa những kẻ canh chừng và những người được canh chừng. Nhân vật Dr. Manhattan là người duy nhất có đủ quyền lực để canh chừng những “kẻ canh chừng”, trong trường hợp cụ thể này là ngăn cản The Comedian giết người, tuy nhiên với tâm lý phức tạp cộng thêm sự xem thường giá trị của con người, Dr. Manhattan đã gần như gạt bỏ tính trách nhiệm ra khỏi quyền lực của mình. Đoạn phim này chính là phần đặt vấn đề của tư tưởng cả bộ phim, đáng tiếc là cơ quan kiểm duyệt Việt Nam đã vội vã cắt bỏ khiến khán giả không thể thưởng thức và cảm nhận bộ phim một cách trọn vẹn.

Với thời lượng gần 3 tiếng đồng hồ, Watchmen quá dài đối với những ai chỉ muốn khám phá kẻ đã giết hại The Comedian, bởi lẽ đây chỉ là một trong số rất nhiều chi tiết cần khám phá, bao gồm một lượng ẩn dụ khá đậm đặc. Một trong số đó là nhân vật Dr. Manhattan. Với quyền lực tuyệt đối, Dr. Manhattan là vũ khí quyết định của Mỹ, đến nỗi có người đã phải thốt lên: “Chúa trời hiện hữu, và ông ấy là người Mỹ” để ám chỉ nhân vật này. Rất đáng ngạc nhiên là chi tiết này đã không thể trở thành lý do để các nhà kiểm duyệt phim nên giảm bớt sự nhiệt tình của mình. Người Việt Nam sẽ không tự ái khi phải chứng kiến cảnh Dr. Manhattan và nữ thần Valkyrie cùng hiện ra, chỉ tay vào những chiến sỹ quân giải phóng để đem lại thắng lợi cuối cùng cho người Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Chẳng có lý do gì để phải tự ái khi chính người Mỹ đã gián tiếp tuyên bố rằng Mỹ chỉ có thể chiến thắng nếu… “Chúa trời hiện hữu, và ông ấy là người Mỹ”.

The Comedian có lẽ là nhân vật sinh động nhất trong Watchmen. Là anh hùng duy nhất mang sắc cờ Mỹ trên trang phục và cũng là nhân vật duy nhất lĩnh sẹo từ cuộc chiến tranh Việt Nam, chính vì thế cũng có thể nói The Comedian đã đại diện cho cả nước Mỹ. Nếu hình ảnh người phụ nữ mang thai bị The Comedian ruồng bỏ và giết hại là ẩn dụ cho sự dính líu của nước Mỹ tại chiến trường Việt Nam, thì hình ảnh vết sẹo do người phụ nữ này gây nên trên khuôn mặt y lại là ẩn dụ của hậu quả mà nước Mỹ phải gánh chịu từ cuộc chiến tranh. Vết sẹo đã khiến nụ cười vốn ngạo nghễ của The Comedian trở nên méo mó, như nét tô điểm cho chất Pagliacci trong phong cách hài hước đầy mỉa mai của y: mỉa mai như những giọt nước mắt trên khuôn mặt kép hài, mỉa mai như vết máu trên bộ mặt hạnh phúc. Một trong những câu thoại hay nhất của Watchmen là khi nhân vật Nite Owl 2 hỏi: “Điều gì đã xảy ra với giấc mơ Mỹ?” The Comedian trả lời: “Nó đã trở thành hiện thực, anh đang nhìn thấy nó đấy,” trong khi chỉ vào đám đông cuồng nộ đang phá phách và đòi giải tán nhóm người vẫn luôn tự cho mình là “Những kẻ canh chừng”.

Watchmen có một loạt những yếu tố có có thể liên kết để từ đó suy ra những vấn đề sâu xa hơn: Đó là vở Die Walkuere của Richard Wagner và triết lý của Nietzche. Đây chính là 2 nhân tố đã bị Hitler lạm dụng để xây dựng nên hệ tư tưởng cực đoan của chủ nghĩa Quốc Xã. Nếu xâu chuỗi những yếu tố này, cộng thêm phông nền của câu chuyện về những siêu anh hùng, chúng ta có nhìn thấy thấp thoáng trong Watchmen khái niệm Uebermensch (người siêu việt) của Nietzsche. Khái niệm này loại bỏ sự tồn tại của Chúa và trao cho “người siêu việt” khả năng kiến tạo những giá trị mới để phù hợp với sự vận động của thế giới. “Người siêu việt” có thể tự định đoạt tính thiện và ác để phục vụ mục tiêu cuối cùng. Trong Watchmen, tất cả những anh hùng và siêu anh hùng đều có những giá trị riêng, thế nhưng chỉ duy nhất nhân vật Ozymandias là có đầy đủ phẩm chất của một Uebermensch. Ngoài trí tuệ xuất chúng để thích ứng với mọi hoàn cảnh, nhân vật này còn có thể xóa nhòa ranh giới giữa thiện và ác để ngăn cản thế giới khỏi chiến tranh hạt nhân. Và rõ ràng yếu tố quyết định việc Ozymandias là một Uebermensch chứ không phải Dr. Manhattan, với quyền lực tuyệt đối, là vì nhân vật này dám đứng ra nhận trách nhiệm đối với nhân loại thay vì coi thường những giá trị nhân bản. Ngoài ra, Ozymandias còn có ngoại hình của một người chủng Aryan mà Hitler luôn rao giảng là thượng đẳng. Cũng không phải là ngẫu nhiên khi Ozynamdias tự coi mình là người thông minh nhất thế giới và bị Roschach ví với Hitler.

Các nhân vật trong phim Watchmen

Bộ phim Watchmen còn đề cập đến một loại sức mạnh khác, sức mạnh của ngôn ngữ điện ảnh. Đạo diễn Zack Snyder một lần nữa khẳng định được tài năng, vốn đã sớm được thừa nhận từ bộ phim 300, khi chuyển thể thành công bộ truyện tranh từng bị coi không thể đưa lên màn bạc. Không chỉ dừng lại ở việc tóm gọn sự thể hiện phong phú, hay làm mượt mà những chi tiết sạn trong truyện, Zack còn biết vận dụng tối đa sức thể hiện đặc thù của điện ảnh. Trong nguyên tác của Moore, bối cảnh sự leo thang của nguy cơ diễn ra cuộc chiến tranh hạt nhân được khai thác gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông. Bộ phim chuyển thể về cơ bản cũng sử dụng lại cách này, nhưng Zack đã đẩy được kịch tính lên cao hơn khi bất ngờ hướng khán giả đến một bộ phim thuộc hàng kinh điển về cuộc đối đầu hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô. Trong cảnh tổng thống Mỹ quyết định khởi động bộ máy chiến tranh, Zack đã tái hiện chính xác bối cảnh phòng họp chiến lược trong bộ phim Dr. Strange Love or: How I Learned to Stop Worrying and Love the Bomb của đạo diễn Stanley Kubrick. Chính nhờ những yếu tố như vậy, Watchmen đã chinh phục được cả những khán giả điện ảnh chưa từng đọc qua bộ truyện tranh.

Trong lễ công chiếu Watchmen ở London, nam diễn viên Jackie Earle Haley, người đóng vai Rorschach, đã cho biết, tình hình chính trị thế giới hiện nay có rất nhiều liên hệ với bộ phim. Mặc dù không có những tuyên bố hợm hĩnh kiểu như “Chúa trời hiện hữu, và ông ấy là người Mỹ”, nhưng không phải vì thế mà tư tưởng “thế thiên hành đạo” của người Mỹ không tồn tại, vấn đề chỉ là cách thể hiện: Tổng thống Mỹ George W Bush từng tuyên bố: “Chúa ở cùng phe chúng ta”. TNS John Kerry, một người ôn hòa hơn, thì tuyên bố: “Chúng ta cùng phe Chúa”. Quay trở lại với câu nói của một người Mỹ điển hình, The Comedian, “Vấn đề của giấc Mỹ là nó đang trở thành hiện thực…” phải chăng chúng ta đang chứng kiến điều đó ở Afghanistan, hay Iraq? Ngay cả khi liên hệ với thực tế, những kẻ có đủ khả năng canh chừng dường như vẫn chưa có sự trân trọng cần thiết đối với giá trị con người. Và câu hỏi “Ai canh chừng những kẻ canh chừng?” cũng vì thế mà chưa thể có lời giải đáp.

Read Full Post »

Xem The Reader

Tớ đến với The Reader với một mục đích hết sức phồn thực là để xem Kate Winslet hy sinh vì nghệ thuật đến mức nào. Thế nhưng khi xem xong thì đây lại là bộ phim tớ có thiện cảm nhất trong 5 đề cử Oscar hạng mục phim hay nhất năm nay. Bộ phim đã cho tớ biết hóa ra những gì mình hiểu về nước Đức từ trước đến nay là đúng. Thế nhưng đây không phải là một bộ phim Đức. Mặc dù dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng của một tác giả Đức, thế nhưng chuyển thể lên phim lại là công việc của phe đồng minh, chính vì thế một số thông điệp bộ phim truyền tải hơi tỏ ra phiến diện. Tớ muốn nói đến cảnh một người giáo viên trong một tiết văn học đã có hành động xóa cái tên Goethe trên bảng và viết thế vào dòng chữ Odyssey. Đây chắc chắn là hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ, nó khiến tâm trạng tớ khá lẫn lộn. Đầu tiên là thú vị, vì đúng là nước Đức sau chiến tranh muốn giảm bớt tính bảo thủ của mình để hòa vào dòng chảy cùng thế giới còn lại, cũng như luôn cố kìm hãm lòng kiêu hãnh dân tộc để tránh khơi gợi chủ nghĩa Nazi trong quá khứ. Thế nhưng sau đó tớ lại nghi ngờ, Goethe là lương tâm, là chân giá trị của nước Đức, và nếu nói không quá, cũng là của cả thế giới. Người Đức kìm hãm niềm kiêu hãnh không có nghĩa là họ triệt tiêu nó đi, mà vẫn thể hiện ở một chừng mực nào đó. Nếu để lột tả một sự thay đổi, Goethe hoàn toàn không phải là một cái tên phù hợp để xóa đi. Tớ đã tìm đọc quyển Người Đọc của Bernhart Schlink (Lê Quang dịch) và đúng như dự đoán, không hề có cái tên Goethe nào bị xóa, mặc dù có đề cập một cách hình tượng đến Odyssey: “Người Hy Lạp, vốn biết rằng không có ai hai lần lội xuống cùng một dòng sông, làm sao có thể tin vào hồi hương. Odyssey không quay về để dừng chân, mà để lên đường lần nữa. Odyssey là một câu chuyện về chuyển động, vừa có hướng, lại vừa vô hướng, thành công và hoài công…” Rõ ràng phe đồng minh đã lợi dụng sự mẫn cảm của nước Đức mà ép người quá đáng. Nhưng tựu chung thì tớ vẫn đánh giá đây là phim khá nhất so với 4 đề cử còn lại, có lẽ tại tớ cũng hiểu hiểu nước Đức nên tìm thấy nhiều đồng cảm với cả truyện lẫn phim này.

Read Full Post »

Xem Master and Commander HD

Hì hục mãi mới down được bản Master and Commander 720p của chú ESiR, xem lại ngay trong buổi sáng. Hồi trước có bản DVD9 phim này, tính ra đến tận 8G, bản phim lần này có dung lượng tương đương nhưng chất lượng âm thanh lẫn hình ảnh lại khác nhau một trời một vực. Đặc biệt là phần âm thanh, chưa bản phim nào lại thể hiện 5 kênh tiếng rõ rệt như bản này. Có đoạn hai chú nhân vật nói chuyện với nhau ở loa trung tâm, 2 loa trước là tiếng sóng biển, 2 loa sau, một loa là tiếng thủy thủ gọi nhau ý ới, loa kia là tiếng kẽo kẹt của con tàu. Tất cả đều to, rõ và không hề lẫn lộn vào nhau. Mình có bản Bourne Ultimatum cũng của chú ESiR, cũng DTS và bản thân phim này cũng được Oscar hạng mục Sound Editing như Master and Commander, thế nhưng nghe lại không phê bằng. Có thể tại bối cảnh của Master cụ thể hơn Bourne vì chỉ diễn ra trên một chiếc tàu gỗ, nên hiệu ứng âm thanh thể hiện tinh hơn. Âm thanh hay vậy nhưng có một đoạn mình phải tắt loa, không phải đoạn bắn nhau ồn ào nào đó, mà là đoạn cưa tay chú Blakeney, âm thanh nghe chân thực quá tự nhiên tay mình cũng thấy nhức nhức.

Chẳng nhớ nổi đã xem phim này bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng giữ được cảm giác háo hức và phê như lần đầu. Tự nhiên nhớ lại giải Oscar năm 2004. Từ ngày được theo dõi Oscar, đây chính là mùa giải mình thích nhất. Ngoài Master and Commander còn có LOTR The Return of the King, Mystic River, Lost in Translation, Finding Nemo,… và còn có cả Billy Crystal nữa. Năm đấy mình ủng hộ LOTR, thế nhưng khi bác Steven Spielberg mở phong bì và tuyên bố “clean swept”, tự nhiên mình lại thấy tiếc cho Master. Nội dung phim này đơn giản thôi, hai chiếc tàu chiến một của Anh và một của Pháp săn lùng nhau trên biển. Vấn đề nằm ở chỗ phải làm sao để chiếc tàu Anh cũ kỹ, tốc độ chậm, nhỏ và ít súng hơn lại có thể thắng được chiếc thuyền Pháp vừa to, vừa mới, vừa nhanh, lại vừa được trang bị chi chít súng. Master là một lời khoe khoang tế nhị nhưng rất thuyết phục của người Anh về lực lượng hải quân nổi tiếng nhất thế giới của mình. Nhân vật bác sỹ trong phim này có lẽ lấy cảm hứng từ Charles Darwin vì cũng có những phát hiện về sự tiến hóa của sinh vật trên quần đảo Galápagos.

Năm 2004, LOTR lấy hết Oscar của Master trong đó có hạng mục nhạc nền. Thế nhưng chính nhạc nền của Master mới là album nhạc phim mình thích nghe nhất cho đến tận bây giờ. Trong đó mình ấn tượng nhất bài The Battle với sự tham gia biểu diễn của một giàn trống và sáo. Từ trước đến nay cứ tưởng Trung Quốc là ông trùm của các tiết mục biểu diễn cùng giàn trống, thế nhưng mình phát hiện ra đồng chí đạo diễn Trương Kỷ Trung đã lấy The Battle [và một số bài khác nữa] làm nền cho khá nhiều cảnh đánh võ trong bộ Thần Điêu Đại Hiệp. Không biết là dùng chùa hay có xin phép tác giả?

Read Full Post »

Bộ truyện tranh Watchmen, cũng như bộ phim chuyển thể cùng tên đang được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới, đã cho thấy các siêu anh hùng không đơn thuần chỉ để mua vui và giải trí khán giả. Những quyền năng của họ và cách họ lựa chọn để sử dụng chúng cũng có thể trở thành một vấn đề hàn lâm để các triết gia có thể khai thác được ít nhiều.

Mark D. White, người biên tập quyển sách Watchmen and Philosophy: A Rorschach Test (Watchmen và Triết học: Một kiểm nghiệm của Rorschach), đã nói: “Watchmen chính là một mỏ khai thác cho các triết gia bị ám ảnh bởi truyện tranh”. Quyển sách này là một phần trong loạt sách sử dụng văn hóa đại chúng để tiếp cận những vấn đề trừu tượng của triết học.

Bộ phim Watchmen đã chuyển thể toàn bộ 12 tập truyện cùng tên của 2 tác giả Alan Moore và Dave Gibons kể về một nhóm siêu anh hùng thất thế trong bối cảnh hư cấu của những năm 80 khi Mỹ và Liên Bang Xô Viết đang cận kề một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Mặc dù có nguồn khai thác tính giải trí dồi dào như vậy, thế nhưng Watchmen lại không phải là một tác phẩm giải trí thông thường. “Tính triết lý trong Watchmen là khá trực quan, bạn không cần phải đào sâu mới thấy được nó.” White nói. Ông hiện đang là giáo sư khoa Khoa học chính trị, Kinh tế và Triết học tại Đại học Staten Island.

Bộ truyện tranh đã lấy nhan đề và tư tưởng từ ý thơ “Quis custodiet ipsos custodes?” (Who watches the Watchmen? – Ai trông chừng những kẻ trông chừng?) của nhà thơ La Mã Juvenal từ thế kỷ thứ nhất. Bản thân ý thơ này cũng đã là một đề tài triết học gây tranh cãi từ hàng thế kỷ nay.

Quyển sách Watchmen and Philosophy bao gồm những bài khóa luận về phương pháp biện hộ của nhân vật trung tâm Rorschach đối với phong cách hành động tàn bạo của mình. Học giả Pháp Simone de Beauvoir cũng đóng góp bài viết về quan điểm của phụ nữ thông qua 2 mẹ con nhân vật Silk Spectres. Quyển sách cũng dành hẳn một chương để phân tích khái niệm Übermensch (Siêu nhân) của triết gia Đức Friedrich Nietzsche.

Mặc dù Watchmen đã đặt ra nhiều câu hỏi mang tính triết lý hơn bất cứ sản phẩm văn hóa nào khác, thế nhưng những series truyền hình ăn khách như HouseThe Simpsons cũng đưa ra không ít thách thức cho những người vốn lâu nay không ưa các vấn đề triết lý.

William Irwin, giáo sư triết học trường Đại học Kings, cho biết “Trong vài thế kỷ gần đây, Triết học luôn có một số vấn đề về quan hệ cộng đồng. Mọi người luôn có quan điểm sai lầm rằng triết học là một đề tài học thuật khô khan nào đó. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra những vấn đề thông thường trong văn hóa đại chúng và biến chúng thành những tranh luận triết học”.

White, người cũng có bài viết về nhân vật Batman, cho biết, các siêu anh hùng là đề tài hấp dẫn đối với những nhà luân lý như ông: “Họ phải lãnh lấy những trách nhiệm thật phi thường, Nếu giả sử bạn muốn cứu thế giới, bạn sẽ làm gì trước? Bắt kẻ xấu hay cứu những người nghèo khổ?

Read Full Post »

Mặc dù vẫn chưa được công chiếu rộng rãi, thế nhưng bộ phim The Curious Case of Benjamin Button, với sự góp mặt của cặp diễn viên tài năng Brad Pitt và Cate Blanchett, đã được đứng vào hàng ngũ những phim hay nhất năm 2008, dẫn đầu đề cử những giải thưởng điện ảnh uy tín và hứa hẹn sẽ làm nên chuyện tại lễ trao giải Oscar 2009 sắp tới. Để có được những thành công bước đầu như vậy, ít người biết rằng nhân vật Benjamin Button đã có một cuộc hành trình đầy trắc trở trong suốt hàng thập kỷ để từ những trang viết của nhà văn F. Scott Fiztgerald bước lên mản ảnh rộng.

Không thể so sánh được với những những tác phẩm nổi tiếng khác của Fiztgerald như The Great Gasby hay Tender is the Night, nhưng câu chuyện kỳ lạ về một người mới sinh ra đã già lão nhưng càng lớn càng trẻ đã thu hút được sự chú ý ngay từ lần đầu xuất bản vào năm 1922. Dĩ nhiên những nhà sản xuất phim Hollywood lúc bấy giờ cũng không đứng ngoài sự quan tâm đó.

Ban đầu chính nhà văn Fitzgerald là người chuyển thể truyện ngắn của mình lên phim. Sau khi ông qua đời vào năm 1940, công việc này đã được giao lại cho William Faulkner theo một hợp đồng ký với hãng phim Warner Bros. Tuy nhiên Warner Bros không có bản quyền của câu chuyện, và khi Faulkner yêu cầu mua bản quyền, thì ông chủ hãng phim lúc bấy giờ là Jack Warner lại quyết định hủy bỏ dự án.

Phải gần 40 năm sau, dự án này mới được khởi động lại khi Ray Stark, một trong những nhà sản xuất phim thành công nhất Hollywood, giao Benjamin Button vào tay đạo diễn Ron Howard. Ron đã đồng ý và gợi ý muốn hợp tác cùng những diễn viên như John Travolta, Johnny Depp và Martin Short. Ông thậm chí còn muốn thử nghiệm hệ thống Digital Domain để làm kỹ xảo vi tính. Tuy nhiên kinh phí làm phim đã bị đẩy lên quá cao và chẳng ai muốn tiếp tục triển khai nữa.

Howard rút lui khỏi dự án nhưng Stark không chịu đầu hàng, ông đã cố thuyết phục Josh Donen, người sau đó trở thành giám đốc điều hành hãng phim Universal, đầu tư viết kịch bản. Nữ biên kịch Robin Swicord, người chuyển thể Little Women, đã được thuê để đưa Benjamin Button lên phim.

Khi đó Robin đã nói: “Tôi quyết định chuyển thể câu chuyện sao cho nó có thể chứa đựng được toàn bộ cuộc sống Mỹ. Tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào những yếu tố bên ngoài, tuy nhiên vẫn đảm bảo cốt lõi là mối tình xuyên suốt câu chuyện”.

Sau khi hoàn tất, kịch bản của Robin Swicord được chuyển đến hãng phim Amblin Entertainment của Steven Spielberg. Vị đạo diễn này đã tỏ ra hứng thú với câu chuyện và muốn chỉ định Tom Cruise vào vai chính. Nam diễn viên này thậm chí đã cầm về nhà một bản sao của kịch bản để nghiên cứu. Tuy nhiên Tom Cruise sau đó đã từ chối nhập vai, còn Spielberg cũng quyết định dành thời gian cho hai dự án HookJurassic Park.

Stark qua đời vào năm 2004, kịch bản Benjamin Button được giao cho Kathleen Kennedy, đồng nghiệp của Spielberg ở Amblin Entertainment. Cô đã đưa kịch bản của Swicord tới hãng phim Paramount. Tuy nhiên tại đây nữ biên kịch Robin Swicord đã không chấp nhận yêu cầu chỉnh sửa kịch bản và rút lui khỏi dự án.

Một số biên kịch nổi tiếng đã được mời để chuyển thể lại câu chuyện, bao gồm những người đã từng đoạt giải Oscar như: Charlie Kaufman (với Adaption), Jim Taylor (Sideways) và Eric Roth (Forrest Gump). Và Eric Roth đã đáp ứng được yêu cầu của Paramount. Benjamin Button một lần nữa lại được khai sinh.

Eric Roth cho biết: “Mục tiêu của tôi là xây dựng được cuộc đời kỳ lạ của một người đàn ông và cho khán giả thấy sự kỳ lạ đó đã ảnh hưởng đến anh ta như thế nào. Kết thúc phim nói về sự lựa chọn mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời: thoái lui hay tiếp tục”.

Kịch bản này đã thuyết phục được đạo diễn David Fincher. David đã từng đọc kịch bản của Swicord vào đầu những năm 90, tuy nhiên khi đó vẫn chưa phải là thời điểm ông có thể làm được những bộ phim đầy thách thức như vậy. Đến năm 2002, thành công của bộ phim Fight Club đã làm mọi người thay đổi cái nhìn về ông, thế nhưng David lại bị coi không thích hợp với thể loại phim tình cảm lãng mạn. David cho biết: “Với tiểu sử làm phim của tôi, tôi biết chắc mình không phải là ứng cử viên sáng giá nhất”.

Nhưng rồi Fincher vẫn được chọn vì đã thuyết phục được nhà sản xuất bằng một quyết định táo bạo: Trong khi các đạo diễn khác muốn sử dụng nhiều diễn viên khác nhau cho từng giai đoạn của cuộc đời Benjamin Button, thì Fincher tin rằng một diễn viên là đủ. Với kinh nghiệm của một nghệ sỹ kỹ xảo điện ảnh trước đây, David Fincher đã cho hãng phim Paramount thấy viễn cảnh của bộ phim với chỉ một diễn viên chính duy nhất và sự trợ giúp của kỹ xảo vi tính.

“Họ không thể hình dung ra bằng cách nào chúng tôi có thể thể hiện được sự thay đổi của tuổi tác trên nhân vật, vì thế chúng tôi đã phải làm một ví dụ trong suốt năm tuần và đã thuyết phục được họ” David nhớ lại.

Tuy nhiên chi phí lên tới 150 triệu USD của bộ phim đã làm nản lòng các ông chủ của Paramount. Đạo diễn Fincher rút lui khỏi dự án để làm Zodiac. Chỉ đến khi nam diễn viên Brad Pitt được mời vào vai Benjamin Button và tỏ ý muốn tiếp tục hợp tác với ông sau hai bộ phim Fight ClubSeven, David Fincher mới đồng ý tiếp tục dự án.

Trước đó hai hãng phim Warners và Paramount đã đạt được thỏa thuật chia sẻ kinh phí thực hiện bộ phim, khi đó đã lên tới 180 triệu USD, với điều kiện The Curious Case of Benjamin Button sẽ được quay ở tiểu bang Louisiana để tiết kiệm trên 27 triệu USD tiền thuế. Và chính quyết định này đã một lần nữa trở thành cản trở đối với cuộc hành trình của Button khi cơn bão Katrina tràn đến tàn phá Louisiana.

Kathleen Kennedy cho biết: “Khi Katrina tràn tới, chúng tôi đã băn khoăn liệu có nên tiếp tục quay phim tại New Orleans nữa không. Sau đó ít lâu chính quyền thành phố gọi điện cho chúng tôi và kêu gọi hãy tiếp tục. Họ nhận thức được việc một dự án như ‘Benjamin Button’ sẽ tạo ra nhiều việc làm và góp phần tài thiết thành phố”.

Cơn bão Katrina đã khiến chi phí bộ phim tăng thêm 3 triệu USD, tuy nhiên đoàn làm phim vẫn quyết tâm tiếp tục dự án tại đây.

Nhưng khó khăn chưa chịu buông tha Button, khi một công ty dịch vụ đảm nhận những công việc hóa trang phức tạp bị phá sản và nợ lương một số thành viên đoàn làm phim. Nhưng rồi cuối cùng thì bộ phim cũng được khởi quay vào ngày 6 tháng 11 năm 2006, và 148 ngày sau, toàn bộ thước phim đã được số hóa và chuyển vào ổ cứng máy tính.

“Bộ phim đã có những khoảng thời gian thực sự khó khăn, cũng bởi vì nó có chi phí thực hiện cao, nhiều bi kịch, và đề cập đến cái chết. Nếu không có những con người đứng đằng sau làm việc hết mình, nó sẽ chẳng thể có được cơ hội trở thành hiện thực”. Đạo diễn David Fincher cho biết.

Read Full Post »

Không ai có thể phủ nhận thành công của tập phim “Casino Royale” trên cả bình diện phê bình lẫn doanh thu. Thế nhưng tập phim “Quantum of Solace” có thực sự như diễn viên Daniel Craig đã nói: “Đối với ‘Quantum of Solace’, ‘Casino Royale’ chỉ là một cuộc dạo chơi”?

Thay thế một Pierce Brosnan đầy lịch lãm và phong lưu bằng một Daniel Craig đầy góc cạnh và uẩn khúc vào loạt phim James Bond mới là một quyết định hợp lý của Eon Productions (đơn vị sản xuất phim 007). Như vậy hoàn toàn phù hợp với logic đưa James Bond trở lại những nhiệm vụ đầu tiên, hơn nữa một luồng gió mới là cần thiết trong hoàn cảnh chàng James lịch lãm đang bước dần vào lối mòn. James của “Casino Royale” đã thực sự làm được một cuộc cách mạng khi từ bỏ vẻ “phớt Ăng lê” cố hữu để hỉ nộ ái ố với tình ái. Và thành quả của cuộc cách mạng này không chỉ thể hiện qua những lời ca ngợi suông, mà còn qua những con số cụ thể với doanh thu toàn cầu 594 triệu USD, cao hơn bất cứ tập 007 nào khác. James trong “Quantum of Solace” kế thừa và phát huy thành công trước đó: vẫn bùng nổ, vẫn tàn bạo, vẫn… hận tình, thế nhưng anh không còn tạo ra được một hình ảnh khác biệt như tôn chỉ đổi mới tư duy của nhà sản xuất nữa. Những pha đuổi bắt, những tình huống đối kháng bằng tay không của anh trông không khác gì một JB khác trong bộ ba phim rất thành công về nhân vật Jason Bourne. Thậm chí còn có cảm giác James sử dụng cả trí thông minh của Jason trong trường đoạn vở Opera Tosca, dù cho đây là một ý tưởng mới. Việc từ bỏ một hình ảnh đã gắn liền với cái tên James Bond để theo đuổi hình ảnh đã gắn liền với một cái tên khác, thay vì tạo ra một hình ảnh hoàn toàn mới, như vậy không còn là một việc làm đúng đắn nữa, bởi nếu phải chọn một trong hai người hùng có cùng một phong cách hành động, đa phần khán giả sẽ chọn Jason Bourne, dĩ nhiên rồi, vì anh không đeo đồng hồ Omega, không đi xe Aston Martin và không uống rượu Martini.

Quả là một thách thức không nhỏ đối với đạo diễn Marc Forster khi lần đầu làm phim hành động đã được ấn vào tay kịch bản 007. Cảnh đua xe bắn súng ngay đầu phim là một điển hình cho sự bỡ ngỡ đó. Những cảnh đuổi bắt kiểu như vậy đã dần trở nên nhàm chán với khán giả khó tính, nếu không thực sự khác biệt (như trong cảnh cuối phim Bourne Supremacy), thì cho dù chiếc xe có là Aston Martin đi chăng nữa, những pha luồn lách, cháy nổ như vậy vẫn khó có thể tạo ra được những ấn tượng tốt đẹp ngay từ những thước phim đầu tiên. “Quantum of Solace” cũng không có đủ kịch tính cần thiết cho một bộ phim hành động. Không phải vì nó thiếu những pha nghẹt thở, mà vì tổng thể nội dung phim bị thiếu mất yếu tố gây kịch tính. Nếu mục đích cuối cùng của James Bond chỉ là tìm ra manh mối của một tổ chức bí mật và cứu lấy nguồn nước cho một đất nước xa xôi nào đó, thì dù những pha hành động có hoành tráng đến đâu, có nghẹt thở đến mấy cũng không thể xóa đi cảm giác hụt hẫng trong lòng người xem

Tuy nhiên không phải ngẫu nhiên những nhà sản xuất phim chọn Marc Forster. Ông là tác giả của nhiều bộ phim có tính thẩm mỹ cao, cho dù đó là bộ phim lấy bối cảnh Neverland, một vùng đất thần tiên; cho dù đó là bộ phim về đất nước Afganistan cằn cỗi; hay cho dù đó là một bộ phim hành động không ngừng nghỉ. Marc Forster đã thổi được vào “Quantum of Solace” một vẻ đẹp ý nhị nhưng đầy khơi gợi. Trong phim có một cảnh quay gồm rừng cây và mặt nước, dĩ nhiên bản thân đó đã là một khung cảnh tự nhiên đẹp đẽ, thế nhưng trên mặt nước còn có thêm một chiếc ca nô lượn một đường hình chữ S chéo qua khung hình. Marc Forster quả là biết cách tô điểm cho những cảnh phim của mình.

Có thể Bond Girl Camille (của nữ diễn viên Olga Kurylenco) gây được nhiều sự chú ý, thế nhưng nàng thơ thực sự của Marc Forster trong “Quantum of Solace” lại là nhân vật Strawberry Fields (Gemma Arterton), cho dù cô chỉ xuất hiện trong một vài cảnh phim ngắn ngủi: cảnh Bond hôn lên lưng cô có sức gợi tình thật khó cưỡng; cảnh cô bước lên cầu thang trong bữa tiệc với hiện thân của Audrey Hepburn, biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ; ngay cả cảnh khi cô chỉ còn là cái xác phủ kín dầu thô cũng có một vẻ đẹp thật đặc biệt. Đạo diễn Marc Forster đã thực sự xóa nhòa kinh nghiệm làm phim hành động bằng cảm quan thẩm mỹ của mình.

Có thể những nhà sản xuất phim không đánh bạc trong “Casino Royale” nhưng họ đã thực sự làm vậy trong “Quantum of Solace”. Xét về tính dân tộc, James Bond là một người Anh tiêu biểu với vẻ lịch lãm, tinh tế nhưng cũng đầy quyết đoán. Chính vì thế, tiêu trí đầu tiên đối với tất cả diễn viên vào vai Bond đều phải là người Anh (nếu không cũng phải thuộc Liên Hiệp Anh). Trong khi đó, Jason Bourne lại là một sản phẩm của Mỹ (nguyên gốc nhân vật này được đào tạo tại Sài Gòn trong cuộc chiến tranh Việt Nam). Như vậy việc để James Bond học theo theo phong cách của Jason Bourne ít nhiều sẽ làm tổn thương đến niềm tự hào dân tộc của người Anh. Còn nếu xét theo bình diện chung, rõ ràng sự trùng lặp này cũng không phải là điều khán giả mong muốn, nhất là khi James Bond của Craig sẽ còn kéo dài thêm ít nhất một tập nữa, trong khi diễn viên Matt Damon cũng đã công khai thừa nhận sẽ xuất hiện trong tập phim thứ tư về nhân vật Jason Bourne.

Read Full Post »

Ngày tàn của Max Payne

Khi bộ ngực căng tràn sức sống của Angelina Jolie lúc lắc theo từng bước chạy của đôi chân thon dài; khi đôi môi độc quyền đỏ mọng chu lại; cùng đôi mắt bò mộng khẽ nháy theo theo từng cú xiết cò hai khẩu pistol trên cả hai tay, xối đạn vào những tạo vật siêu nhiên, tôi chỉ có thể thốt lên: “nàng Lara Croft mới thật nhân tính làm sao!” Thế nhưng khi Mark Wahlberg gục xuống bên bờ rìa của bãi đáp trực thăng trên nóc tòa nhà Aesir, tôi đã tự nhủ: “Vậy là hết, đây mới thực sự là The Fall of Max Payne.

Trong “Tomb Raider,” Lara Croft là một nhân vật 3D chỉ biết chạy, bắn súng và bật công tắc mở những cánh cửa bí mật. Chính vì thế, nếu Angelina Jolie có hở hang, hay lúng liếng một chút thì cũng chỉ làm nàng Lara thêm sinh động mà thôi. Nhưng Max Payne thì khác. Ngoài chạy, nhảy, bay người vãi đạn như mưa vào kẻ thù, Max còn chất chứa bên trong một món cocktail tâm lý phức tạp, mà lời tự sự “I lied to myself it was over. I was still alive, my loved ones were still dead. It wasn’t over” chính là trang ẩm đơn giới thiệu thành phần của nó: nỗi cô độc, lòng hận thù, sự bất cần và cả một chút mỉa mai nữa.

Không hề ngoa khi nói bản thân trò chơi Max Payne do Rock Star phát hành đã là một bộ phim hành động thực sự với kịch tính của Hollywood và chất hành động của Ngô Vũ Sâm (Hard Boiled). Những cảnh tuyết bay tứ tung, được ví như tro bụi dưới bầu trời Khải Huyền (like ash from post-apocalyptic skies), rất giống sở thích bài trí khuôn hình của Ridley Scott. Còn nhạc nền thì mang đậm phong cách Hans Zimmer…

Mặc dù đã mời cha đẻ của nhân vật điện tử Max Payne vào đội ngũ biên kịch (Sam Lake), đã giao vai chính cho ngôi sao hạng A Mark Wahlberg, đã cố thổi không khí tro bụi Khải Huyền vào từng cảnh phim, thậm chí đã bài trí trường đoạn Max xuống bến tàu điện ngầm giống hệt cảnh Max Payne bắt đầu dấn thân vào thế giới ngầm trong phiên bản điện tử,… thế nhưng nhà sản xuất vẫn không thể tạo ra được một Max Payne như tôi đã hình dung và mong đợi. Vẫn biết điện ảnh có ngôn ngữ thể hiện riêng, cũng như còn quá sớm để làm phiên bản tiếp theo của Sin City, thế nhưng Max Payne sẽ là gì nếu không còn những lời tự sự đầy ẩn dụ, không còn những câu mỉa mai cay độc, và không còn những khúc cuồng tưởng như cảnh Max lạc vào một mê cung tối, dưới cơn mưa máu, trong tiếng phụ nữ rên rỉ, tiếng trẻ con khóc lóc, tuyệt vọng tìm đường dẫn đến căn phòng nơi vợ con anh nằm chết? Chẳng thể là gì khác ngoài một bộ phim bắn giết tàm tạm.

Nhưng dù sao tôi cũng không định phủ nhận công sức chăm chút tỷ mỷ về cả âm thanh lẫn hình ảnh của đội ngũ làm phim: tạo hình và ý tưởng của đôi cánh tội ác khá ấn tượng; đặc sản Time Bullet được khai thác một cách sáng tạo, chứ không chịu nhiều ảnh hưởng của Matrix. Tuy nhiên đây lại là bộ phim về Max Payne, nhân vật tiên phong và anh hùng trong buổi bình minh của nền công nghiệp giải trí điện tử. Mark đã diễn xuất tròn vai, nhưng tiếc là anh chỉ có được cơn thịnh nộ và ngọn lửa hận thù của Max, còn vẻ cô độc đầy tự sự, yếu tố đã làm nên cái hồn của Max Payne, thôi đành để lại cho những khán giả như tôi tiếc nuối.

Read Full Post »

Older Posts »